TẠI SAO SINH VIÊN CẦN THAM GIA LÀM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC ?

(Thời gian cập nhật: 07:53 05/05/2022)

Trước khi bạn tham gia bất kỳ một hoạt động hay một công việc nào thì bạn thường đặt ra các câu hỏi như: Công việc này mang lại lợi ích gì không ? hay, việc này có ý nghĩa gì không ? Nó có giúp ích gì cho người tham gia ? và nhiều câu hỏi khác nữa ? Các câu hỏi nhằm xác lập mục đích của công việc mà bạn đang có dự định làm.

Khi tham gia làm nghiên cứu khoa học, sinh viên sẽ có được những giá trị gì thông qua hoạt động này ? Bài viết ngắn gọn này sẽ thông tin tới các bạn.

Khi bạn nghe cụm từ Nghiên cứu khoa học sinh viên (NCKHSV) bạn thường hình dung và cho rằng đây là công việc khó, sẽ mất nhiều thời gian, hoặc: khả năng mình không phù hợp (đáp ứng) được hoạt động này. Tuy nhiên, thực tế thì không phải vậy. Bạn không nên quan niệm, nghiên cứu là phải tìm (phát hiện) ra cái mới, cái “vĩ đại” v.v… Hiểu theo cách này sẽ phù hợp cho các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu chuyên nghiệp hay các nghiên cứu sinh khi làm luận án tiến sĩ. Đối với NCKHSV, vấn đề sẽ đơn giản hơn nhiều vì mục đích chính không phải bắt buộc các bạn phải tìm ra cái mới như đã nói, mà muốn sinh viên có được các kiến thức sâu hơn về các vấn mà mình đang được học tại các môn học; được khám phá khả năng của chính mình và quan trọng là để phát triển các kỹ năng tốt hơn thông qua hoạt động này. Như vậy, các bạn không nên suy nghĩ: “mình không đủ khả năng làm NCKHSV”.

Thế thì cụ thể NCKHSV mang lại cho các bạn những gì ? Câu trả lời là “Rất nhiều” và sẽ được thông tin ngay sau đây:

  • Các bạn sẽ có kiến thức sâu và rộng hơn khi làm NCKH vì các bạn sẽ phải tìm hiểu kỹ về các vấn đề liên quan: khái nhiệm mới, nguyên lý, tìm lời giải khác, cải tiến cái đã có v.v…
  • Phát triển một loạt các kỹ năng:

    • Kỹ năng làm việc nhóm: thông qua tương tác nhóm, với các thành viên cùng tham gia;
    • Kỹ năng tư duy, phản biện;
    • Kỹ năng viết và trình bày báo cáo khoa học;
    • Kỹ năng giao tiếp;
    • Kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp;
    • Kỹ năng thuyết trình: thông qua các buổi thuyết trình, bảo vệ báo cáo;
    • Kỹ năng về sử dụng CNTT, sử dụng phần mềm, ngôn ngữ lập trình;
    • Kỹ năng sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh): thông qua đọc, tìm kiếm, tìm hiểu tài liệu liên quan bằng tiếng Anh;
    • Kỹ năng tìm kiếm: thông qua các hoạt động tìm kiếm thông tin liên quan đến đề tài;
    • Kỹ năng tự học, tự nghiên cứu;
    • Kỹ năng tổ chức, lập kế hoạch, quản lý thời gian;
    • Kỹ năng nói trước đám đông;
    • Kỹ năng tư duy tích cực và đổi mới;
    • và còn nhiều kỹ năng khác…
  • Mang lại giá trị từ kết quả nghiên cứu của đề tài (về khoa học và thực tiễn);
  • Được làm việc và tương tác với giảng viên (người hướng dẫn, các GV khác);
  • Có cơ hội nhận được hỗ trợ kinh phí làm đề tài;
  • Được tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên môn;
  • Được cộng điểm vào Đồ án tốt nghiệp;
  • Được cấp chứng nhận bởi Viện Xây dựng;
  • Có cơ hội tham gia các giải thưởng cấp cao hơn: Euréka, cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  • Được nhiều người biết đến;
  • Thuận lợi lớn khi học cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ);
  • CV sẽ được đánh giá cao của nhà tuyển dụng khi xin việc làm;
  • Kết quả nghiên cứu có cơ hội công bố trên tạp chí trong nước, quốc tế.

NCKH – cầu nối tới các ước mơ: thử tưởng tượng rằng nếu trên lý lịch khoa học (CV) của bạn có thêm phần thông tin về NCKH và kèm theo giấy chứng nhận thì chắc chắn CV này sẽ “mạnh” lên rất nhiều và rất dễ để chinh phục được nhiều nhà tuyển dụng có yêu cầu cao. Các nhà tuyển dụng luôn đánh giá rất cao khi sinh viên đã tham các hoạt động học thuật hay cộng đồng, ngoài các môn học được quy định phải tích lũy trong chương trình đào tạo, bởi họ luôn biết rằng các hoạt động đó đã giúp cho sinh viên có được năng lực tốt và toàn diện hơn.

Bài viết muốn kết thúc bằng bức hình bên phải và hãy chú ý dòng chữ:

A great pleasure in life is  doing what people say you cannot do”.

Viện Xây dựng sẽ sát cánh hỗ trợ các bạn và luôn mong các em đạt thành tích trong NCKH.

TS. Phạm Tiến Cường

(Phó Viện trưởng Viện Xây Dựng)