Bộ môn Công trình thuỷ

(Thời gian cập nhật: 09:34 08/08/2023)

BỘ MÔN CÔNG TRÌNH THỦY

Ngành: Kỹ thuật xây dựng Công trình thủy

Chuyên ngành: Xây dựng và Quản lý Cảng – Công trình giao thông thủy


I. GIỚI THIỆU CHUNG

Được thành lập từ năm 1997, bộ môn Công Trình Thủy (thuộc Viện Xây Dựng, Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM) không ngừng phát triển mạnh và hiện là một trong những đơn vị hàng đầu của miền Nam Việt Nam về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy.

Bộ môn có một lực lượng giảng viên giàu kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, bao gồm các giảng viên cơ hữu của Viện Xây dựng và các giảng viên thỉnh giảng từ những viện nghiên cứu và trường đại học có uy tín trong lĩnh vực xây dựng và giao thông. Hiện nay Bộ môn đang đào tạo hệ đại học và sau đại học về Kỹ thuật Xây dựng Công trình thủy bao gồm các lĩnh vực: Xây dựng Công trình bến cảng, Công trình chắn sóng, Công trình biển, Công trình thủy công, Công trình chỉnh trị sông, Công trình lấn biển…

Với quan điểm “lấy người học làm trung tâm, lấy nhu cầu xã hội làm mục tiêu đào tạo”, cho tới nay bộ môn luôn giữ vai trò tiên phong trong việc đào tạo ra các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học tiên tiến có tính ứng dụng cao phục vụ xã hội. Các kỹ sư Xây dựng Công trình thủy, sau khi tốt nghiệp từ Viện Xây Dựng, luôn nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ các nhà tuyển dụng trên cả nước và quốc tế.

II. HÌNH ẢNH MỘT SỐ THẦY CÔ BM

III. HƯỚNG NGHIÊN CỨU

  • Kết cấu và Nền móng Công trình bến cảng, Công trình chắn sóng, Công trình biển, Công trình thủy công, Công trình chỉnh trị sông
  • Động lực học dòng chảy; Vận chuyển bùn cát; Thủy lực cửa sông và vùng ven biển
  • Mô phỏng ứng xử phi tuyến của nền, móng và tương tác đất-kết cấu
  • Mô phỏng dòng chảy, lan truyền sóng, tương tác lưu chất – kết cấu
  • Động lực học kết cấu và nền móng công trình biển
  • Quy hoạch cảng, đường thủy, vùng ven biển
  • Tối ưu hóa và độ tin cậy kết cấu công trình
  • Các giải pháp móng trong đất yếu; Kỹ thuật gia cố nền

IV. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Đại học

Với chương trình đào tạo và huấn luyện bài bản được xây dựng theo phương pháp tiếp cận hiện đại, sinh viên theo học chương trình đào tạo Kỹ sư Xây dựng và quản lý Cảng – Công trình giao thông thủy sẽ được trang bị:

  • Kiến thức nền tảng vững chắc. Dựa vào đó sinh viên có thể tìm hiểu sâu hơn về chuyên môn hoặc tham gia các chương trình đào tạo sau đại học thuộc lĩnh vực xây dựng và giao thông;
  • Kiến thức chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát, quản lý dự án, thi công xây dựng;
  • Kỹ năng thuyết trình báo cáo và hội thảo; Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng giao tiếp xã hội và trong công việc;
  • Kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và trong chuyên môn để làm việc trong môi trường quốc tế;
  • Kỹ năng sử dụng tiếng Nhật và kiến thức về văn hóa Nhật để làm việc tại Nhật Bản theo chương trình người học tốt nghiệp tại Viện Xây dựng UTH sang làm việc tại các công ty xây dựng tại Nhật Bản (theo sự lựa chọn của sinh viên).

Sau đại học

Trên cơ sở “nghiên cứu gắn kết với thực tiễn xã hội”, sinh viên theo học chương trình đào tạo Thạc sĩ Xây dựng Cảng và Công trình giao thông thủy sẽ được trang bị:

  • Các phương pháp luận tiên tiến giúp sinh viên nghiên cứu khoa học hiệu quả. Sinh viên sẽ có cơ hội hình thành hướng nghiên cứu từ sớm thông qua những buổi chuyên đề định hướng nghiên cứu do các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng đảm trách.
  • Kiến thức chuyên sâu về cơ học. Dựa vào đó sinh viên có thể độc lập nghiên cứu sâu hơn về chuyên môn và phát triển các hướng nghiên cứu cho luận văn cao học.
  • Tư duy sáng tạo cùng khả năng ứng dụng những công nghệ và thành tựu nghiên cứu tiên tiến trên thế giới vào thực tiễn xây dựng công trình giao thông tại Việt Nam.
  • Kỹ năng viết báo cáo khoa học, bài báo khoa học; Kỹ năng thuyết trình tại hội thảo khoa học.

IV. CÁC DẠNG CÔNG TRÌNH THỦY

Các công trình thủy bao gồm những công trình gì? Tóm tắt bên dưới sẽ giúp các bạn sinh viên hiểu nhanh về các dạng công trình chính mà một kỹ sư xây dựng công trình thủy có thể đảm nhiệm.

Công trình bến cảng

Cảng là một tập hợp rất lớn các công trình xây dựng và thiết bị kỹ thuật nhằm bảo đảm cho tàu neo đậu an toàn; bốc dỡ hàng hóa nhanh và thuận lợi. Cảng là một đầu mối quan trọng của giao thông thủy nói riêng và của toàn ngành GTVT nói chung. Chính vì vậy, nước ta đang đẩy mạnh các dự án xây dựng cảng biển phục vụ cho thương mại và giao thông thuận lợi giữa Việt Nam và các nước. Đây cũng chính là cơ hội và thách thức cho các bạn sinh viên và kỹ sư xây dựng công trình thủy.

(Minh họa)

 

Công trình chắn sóng

Khi bão xảy ra thì những con sóng lớn hình thành và lan truyền vào bờ. Làm thế nào để bảo vệ cảng, bảo vệ tàu và con người? Công trình chắn sóng chính là giải pháp. Đây là dạng công trình có quy mô lớn. Nhiệm vụ của nó là chắn những con sóng lớn nhằm bảo vệ cảng, giúp tạo ra một khu nước yên tĩnh để tàu có thể neo đậu an toàn.

(Minh họa)

Công trình bảo vệ bờ biển

Sạt lở, bồi xói bờ sông, bờ biển là đang là những vấn đề nghiêm trọng đang xảy ra ở nước ta. Các công trình bảo vệ bờ sẽ giúp khắc phục những vấn đề này. Nhiệm vụ của chúng là bảo vệ bờ biển, bờ sông và các công trình ven bờ chống tại tác dụng phá hoại của sóng biển và dòng chảy, giúp chống lại các ảnh hưởng của nước biển dâng do biến đổi khí hậu gây ra.

(Minh họa)

Công trình đường thủy

Không chỉ đường bộ mới có công trình đường, công trình cầu qua sông và công trình cầu vượt. Đường thủy cũng có những công trình như vậy, chúng bao gồm: kênh đào cho tàu chạy, cầu đường thủy, các công trình vượt sông, công trình nâng hạ tàu giữa hai vùng nước có độ cao khác nhau, … Đây là những dạng công trình do kỹ sư xây dựng công trình thủy đảm nhiệm.

(Minh họa)

Công trình chỉnh trị sông

Sông ngòi là nguồn tài nguyên quý báu của quốc gia. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà chúng mang lại lợi ích cho con người. Để biến chúng thành có ích thì phải cần đến những giải pháp chỉnh trị sông của kỹ sư xây dựng công trình thủy. Kỹ sư đưa những công trình vào dòng sông để chỉnh trị dòng chảy, phân bố lại xói, bồi  phục vụ cho mục tiêu ổn định, an toàn trong phòng chống lũ, vận tải thủy, công trình lấy nước, …

(Minh họa)

  

Công trình phục vụ công nghiệp đóng tàu thủy

Đóng tàu thủy là ngành công nghiệp quan trọng ở nước ta. Các hãng tàu đóng những con tàu có kích thước rất lớn và nặng hàng chục nghìn tấn. Bằng cách nào mà công nhân có thể đưa những con tàu này xuống nước an toàn? Để thực hiện được điều đó, họ cần những công trình ụ tàu, triền tàu, đà tàu,… do kỹ sư xây dựng công trình thủy thiết kế và thi công.

(Minh họa)

Công trình ngoài khơi phục vụ công nghiệp khai thác dầu khí

Giàn khoan dầu là một công trình được dùng để khoan các giếng khai thác và xử lý dầu, khí thiên nhiên, và chứa dầu tạm trong khi chờ chuyên chờ đến nơi chế biến hoặc bán ra thị trường. Các giàn khoan được xây dựng trên chân bê tông hoặc thép, hoặc cả hai, được neo vào đáy biển, có mặt bằng làm việc bên trên, khu chức năng khai thác, trung tâm điều khiển. Do nằm ở ngoài vùng nước sâu nên thiết kế và thi công những công trình này khá phức tạp và cần đến sự trợ giúp của các kỹ sư xây dựng công trình thủy.

(Minh họa)

Công trình lấn biển

Những công trình lấn biển không chỉ là những kỳ quan kỹ thuật, mà còn phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và du lịch đất nước. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc xây dựng các công trình này cần đi đôi với bảo vệ môi trường và bền vững để đảm bảo tương lai của các cộng đồng ven biển và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam và thế giới được bảo tồn và phát triển lâu dài. Để xây dựng được những công trình hoành tráng này rất cần đến vai trò của người kỹ sư xây dựng công trình thủy. Dưới đây là một số công trình lấn biển nổi bật tại Việt Nam và trên thế giới:

(Thời gian cập nhật: 06/08/2023)