Bộ môn Kỹ thuật nền móng

(Thời gian cập nhật: 17:59 02/06/2023)

BỘ KỸ THUẬT NỀN MÓNG thuộc Viện xây dựng, trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM

Trưởng BM: TS. Phạm Ngọc Thạch

Bộ  môn quản lý chuyên ngành Kỹ thuật Nền móng công trình – Ngành Kỹ thuật xây dựng

  • Thời gian đào tạo: 4.0 năm
  • Trình độ: Đại học
  • Chương trình: Chính quy – Đại trà (học bằng tiếng Việt)

  1. Giới thiệu về ngành

Giới thiệu chung:

Ngành xây dựng chiếm vị thế là trung tâm trong các ngành của xã hội bởi ngành này tạo cơ sở hạ tầng cho các ngành khác phát triển. Ngành xây dựng chiếm khoảng 6%GDP toàn cầu, trong khi ở Việt Nam, các năm gần đây, ngành xây dựng luôn tăng trưởng mạnh, xấp xỉ 7-8%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta ở mức cao, xấp xỉ từ 35 đến 40%, kéo theo nhu cầu nhà ở cũng như các công trình hạ tầng tăng cao. Dự báo nhu cầu nhân lực ngành xây dựng mỗi năm tăng thêm 400 đến 500 ngàn người. Các lý do trên tạo nhu cầu cao về việc làm trong ngành xây dựng ở nước ta.

Ngành Kỹ thuật xây dựng được đào tạo tại ĐH GTVT TP.HCM từ năm 2007 và nhiều thế hệ kỹ sư đã tốt nghiệp và đang làm việc tại nhiều tập đoàn và công ty lớn hoạt động về xây dựng như Coteccons, Hòa Bình, CC1, Delta, An Phong v.v… Điều đó đã khẳng định được chất lượng đào tạo của Nhà trường thông qua nhiều tiêu chí nhằm đáp ứng yêu cầu cao và chuyên nghiệp của nhà tuyển dụng hiện nay.

Ngành kỹ thuật xây dựng trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ làm việc chuyên nghiệp để đáp ứng tốt theo yêu cầu của xã hội. Sinh viên được học lý thuyết và thực hành thông qua nhiều môn học hấp dẫn dưới phương pháp dạy và học chủ động, sáng tạo cùng với sự trải nghiệm thông qua thực tập tại các công ty xây dựng nhằm tạo hứng thú và kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Tổ hợp môn xét tuyển (năm 2022): A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh văn) (năm 2023 dự kiến thêm tổ hợp cho tuyển sinh năm nay)

Phương thức tuyển sinh: sử dụng 2 phương thức xét tuyển sau:

  • Phương thức 1: Xét điểm thi THPT Quốc gia 2023
  • Phương thức 2: Xét điểm học bạ THPT của các năm lớp 10, 11, 12 theo tổ hợp môn xét tuyển

Bạn cần tố chất gì để học ngành Kỹ thuật Xây dựng ?

Bạn chỉ cần học khá các môn khoa học tư nhiên như Toán, Lý để giúp bạn có tư duy logic, giải quyết vấn đề và khả năng tính toán khi gặp các bài toán về kỹ thuật xây dựng mà bạn sẽ gặp phải sau này, chẳng hạn các bài toán liên quan đến phân tích/thiết kế kết cấu công trình, thẩm tra kết cấu, thiết kế biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công v.v… Ngoài ra, sẽ là lợi thế nếu bạn có thêm sự yêu thích và đam mê các công trình xây dựng; thích làm việc trong lĩnh vực xây dựng khi đó bạn sẽ có nhiều cảm hứng trong quá trình học tập, giúp bạn có kết quả tốt nhất đối với các khóa học của bạn. Bạn cũng nên là người năng động và có sức khỏe tốt để có thể tham gia những công việc ở ngoài công trường xây dựng yêu cầu về sức khỏe hay những công việc phải thường xuyên đi công tác xa.

  1. Cơ sở và năng lực đào tạo
  • Đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn, nhiều kinh nghiệm thực tế và luôn tận tâm trong giảng dạy. Các giảng viên có trình độ từ Thạc sĩ trở lên, được đào tạo từ các trường uy tín ở trong nước và quốc tế. Tất cả các giảng viên có trình độ tiến sĩ của Viện xây dựng được đào tạo tại nhiều trường đại học uy tín ở châu Á và châu Âu.
  • Cơ sở vật chất như các phòng thí nghiệm và thực hành được trang bị hiện đại, nhiều thiết bị đạt chuẩn quốc tế.
  • Chương trình đào tạo được rà soát và cập nhật thường xuyên;
  • Tổ chức đào tạo được vận hành theo ISO 9001:2015;
  1. Sự giống và khác biệt giữa 3 chuyên ngành

Cả 3 chuyên ngành đều trang trang bị các kiến thức và kỹ năng chung về ngành kỹ thuật xây dựng nhằm đào tạo người kỹ sư có thể thực hành thiết kế và thi công trọn vẹn các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp với các quy mô khác nhau. Tuy nhiên mỗi chuyên ngành có sự khác biệt theo hướng chuyên môn như sau:

  • Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp: người học được trang bị nhiều hơn các kiến thức về kỹ thuật, tổ chức thi công và quản lý xây dựng;
  • Kỹ thuật Kết cấu công trình: người học được trang bị nhiều hơn các kiến thức phục vụ cho phân tích và thiết kế kết cấu công trình xây dựng;
  • Kỹ thuật Nền móng công trình: người học được trang bị nhiều hơn các kiến thức về thiết kế và thi công các bộ phận/kết cấu ngầm của tòa nhà, công trình xây dựng như các loại móng khác nhau, tường tầng hầm, tường chắn đất v.v…
  1. Kiến thức và kỹ năng đạt được sau tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, người học có kiến thức cơ bản về toán học, khoa học tự nhiên; các kiến thức về cơ sở ngành, các nguyên lý cơ bản về cơ học, kiến trúc, vật liệu, hệ thống kỹ thuật công trình và công nghệ xây dựng. Sau đó là các kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành như thiết kế, kỹ thuật và tổ chức thi công; phân tích kinh tế, quản lý, tổ chức, khai thác và vận hành các loại công trình dân dụng và công nghiệp. Từ đó, người học hoàn toàn có thể tham gia, chủ trì thiết kế, thi công và giám sát công trình xây dựng.

Chương trình đào tạo giúp cho người học có được nhiều kỹ năng về tin học và ngoại ngữ (tiếng Anh) để người học có thể thích ứng và làm việc ngay sau khi ra trường, đặc biệt đáp ứng môi trường làm việc cho công ty nước ngoài.

  1. Cơ hội việc làm và học tập nâng cao sau tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm việc trong tất cả các lĩnh vực xây dựng với tư cách là người tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công và quản lý trong các dự án xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Theo khảo sát, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành năm đầu tiên là trên 90%. Nhiều kỹ sư ra trường đang nắm giữ nhiều vị trí cao trong quản lý và điều hành như trưởng phòng, chủ trì thiết kế, chỉ huy trưởng công trường, giám sát trưởng, phó giám đốc và giám đốc nhiều doanh nghiệp xây dựng. Cũng có nhiều kỹ sư tự lập và điều hành công ty tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, quản lý và đầu tư xây dựng đã và đang phát triển tốt. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn học tập nâng cao trình độ chuyên sâu như thạc sĩ và tiến sĩ, và có thể làm việc với tư cách cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu; làm cán bộ giảng dạy tại các cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng.

Dự báo nhu cầu nhân lực ngành xây dựng mỗi năm tăng thêm từ 400 – 500 ngàn người do nước ta cần xây dựng nhiều công trình nhà ở (tăng khoảng 50 triệu m2 sàn/năm) và hạ tầng. Đây sẽ là cơ hội lý tưởng để kỹ sư ngành Xây dựng dễ dàng tìm được việc làm với mức thu nhập cao.

Ngoài ra, bạn cũng có thể làm việc cho các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN bởi thị trường xây dựng của khu vực này rất năng động và phát triển mạnh; do đó tạo nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực xây dựng. Đã có nhiều kỹ sư Việt Nam làm xây dựng tại Singapore, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Myanmar.

  1. Hình ảnh các hoạt động của sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng

Các hoạt động được tổ chức thường xuyên như các kỳ thi Olympic Cơ học toàn Quốc, hội thảo chuyên đề, các buổi tham quan công trường xây dựng, nhà máy, cuộc thi kỹ sư tài năng v.v… rất được Viện xây dựng quan tâm, nhằm tạo môi trường và sân chơi bổ ích giúp sinh viên có thêm hứng thú cho học tập và bổ sung kiến thức thực tế ngoài các khóa học trên lớp. Dưới đây là một số hình ảnh về các hoạt động của sinh viên.

Sinh viên Viện xây dựng tham dự kỳ thi Olympic Cơ học Toàn quốc

Sinh viên thăm quan nhà máy, công trình, công trường xây dựng

Hội thảo chuyên đề

Cuộc thi “Kỹ sư tài năng” do Đoàn Viện xây dựng tổ chức


Hoạt động thể thao

Một số hoạt động khác

(Hội thảo với ĐH Lyon 1- CH Pháp)

(Lớp học)

(Đá bóng SV Viện xây dựng)

(Tham quan công trình)

(Chuẩn bị bảo vệ Đồ án Tốt nghiệp, VLVH)

(Ngày nhận Bằng tốt nghiệp ĐH)