Bộ môn Quy hoạch giao thông

(Thời gian cập nhật: 22:09 14/02/2023)

BỘ MÔN QUI HOẠCH GIAO THÔNG thuộc Viện xây dựng, trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM

Trưởng BM: ThS. Đoàn Hồng Đức

Bộ môn quản lý chuyên ngành: Qui hoạch giao thông

Trong vài thập kỷ qua, kể từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển các hệ thống giao thông bao gồm cả giao thông đô thị và giao thông nông thôn cho tất cả các loại hình/phương thức vận tải sắt, thủy, bộ và hàng không, nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Và chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng công trình nói chung và công trình giao thông nói riêng. Song hành cùng quá trình xây dựng và phát triển các hệ thống giao thông, quá trình đô thị hóa và di trú cư dân từ nông thôn lên các đô thị lớn vì nhiều mục đích khác nhau đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Qua đó, dễ dàng thấy được những đóng góp tích cực, to lớn và vai trò quan trọng của các hệ thống giao thông trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bên cạnh những thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển các hệ thống giao thông, hàng loạt những vấn đề không mong đợi từ hệ thống này cũng đã nảy sinh, đặt ra cho chúng ta – những người đang sử dụng và hưởng lợi từ các hệ thống giao thông những thách thức. Chính những thách thức đó là động lực thôi thúc và cho chúng ta cơ hội để đạt đến những tầm cao mới.

Nguồn: www.atlasofurbanexpansion.org

Hình 1. Quá trình mở rộng đô thị và gia tăng dân số ở TP. HCM

Tại các đô thị lớn, được xem là các siêu đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, những nơi thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, du lịch… hệ thống giao thông đã và đang vận hành như vai trò của các mạch máu, hỗ trợ, nuôi dưỡng sức sống và sự phát triển của thực thể đô thị. Tại các đô thị này, sự mở rộng đô thị, dân số gia tăng (Điển hình như TP. Hồ Chí Minh, Hình 1), phương tiện giao thông và nhu cầu đi lại cho nhiều mục đích khác nhau cũng gia tăng mạnh (theo báo cáo ALMEC, 2012 và Hình 2)… hình thành hàng loạt các áp lực không nhỏ tác động trực tiếp lên hệ thống giao thông và đẩy nó đến bên thềm của giới hạn! Khi đạt đến giới hạn, nó tỏ ra khá nhạy cảm với những tác động, và những biểu hiện bề nổi dễ dàng nhận diện như ùn tắt giao thông, tai nạn, ô nhiễm không khí, và tiếng ồn từ động cơ của các phương tiện…Ngoài ra, còn có những hệ lụy khó dự đoán tiềm ẩn khác ví dụ như vấn đề hành vi ứng xử và văn hóa ứng xử của những người tham gia giao thông trong điều kiện giao thông thường xuyên bị nhiễu loạn, vấn đề sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Từ đây cho phép nhận định rằng: hệ thống giao thông tại các đô thị lớn đang vận hành với những tổn thất kinh tế – xã hội khá cao (những tổn thất có thể được định lượng như thời gian trì hoãn giao thông lớn, tổn thất do tai nạn giao thông, tổn thất về sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm gây ra…), cũng có nghĩa là hiệu quả vận hành của hệ thống chưa cao nếu không muốn nói là thấp.

Với những điều kiện vừa đề cập, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức: (1) Bằng cách nào tối thiểu hóa những tổn thất kinh tế – xã hội và nâng cao hiệu quả vận hành của các hệ thống giao thông hiện hữu? (2) Bằng cách nào đảm bảo các hệ thống giao thông hiện hữu vận hành và phát triển bền vững, không để lại những hệ lụy xấu cho các thế hệ tiếp theo – con, cháu của chúng ta? (3) Và phải làm gì để tạo ra những hệ thống giao thông mà chính nó có khả năng điều khiển, hướng dẫn tất cả các thành phần cũng như đối tượng tham gia thông có những ứng xử, hành vi tương thích, thích ứng với hoàn cảnh cụ thể trong quá trình tham gia giao thông để  tổn thương là nhỏ nhất khi họ mắc lỗi trong những tình huống khó xử trong giao thông (kết quả thống kê cho thấy 90% trong tổng số các vụ tai nạn giao thông chết người xuất phát từ những lỗi lầm về hành động ứng xử giao thông do chính người tham gia giao thông gây ra)?

Hình 2. Vị trí của TP. Hồ Chí Minh trong vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam và giao thông vào giờ cao điểm trên tuyến đường chính đô thị

Xuất phát từ hiện trạng và những điều kiện vận hành của hệ thống giao thông hiện hữu, Chính phủ, Bộ GTVT, cũng như các cơ quan quản lý chuyên ngành như Sở GTVT, các viện nghiên cứu phát triển giao thông… đã có những định hướng, tầm nhìn mới và chiến lược cho sự phát triển và những lộ trình cho việc cải thiện điều kiện vận hành của các hệ thống giao thông. Tất cả nhằm tạo tiền đề cơ bản để tiến tới các mục tiêu giao thông xanh, thông minh, an toàn, thoải mái, tiện lợi, hiệu quả và bền vững. Đây chính là cơ hội bởi lẽ những định hướng, tầm nhìn và chiến lược phát triển giao thông cần được cụ thể hóa bằng các giải pháp qui hoạch, các qui hoạch chi tiết phù hợp với từng loại hình giao thông/phương thức vận tải trong đó các nguyên lý khoa học, các giải pháp công nghệ là nền tảng. Tương tự, các lộ trình cải thiện cũng cần được chi tiết hóa bằng các phương án, giải pháp kỹ thuật, qui trình công nghệ… Đó là tất cả những gì chúng ta cần phải làm và chính là những cơ hội cho tất cả các thế hệ học sinh, sinh viên, những người đang công tác trong lĩnh vực giao thông vận tải học tập, nghiên cứu, sáng tạo và vận dụng các phương pháp, nguyên lý khoa học kỹ thuật, công nghệ vào các quá trình qui hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành khai thác các công trình giao thông góp phần thúc đẩy và từng bước tiến tới các mục tiêu đã đề ra đối với các hệ thống giao thông.

Ở một chừng mực nào đó, nếu như sống là để phát triển thì phát triển là để sống! Như một qui luật tự nhiên, vì sự phát triển và quá trình phát triển đã đưa chúng ta đến những giới hạn. Giao thông vận tải nói chung, và chuyên ngành qui hoạch và kỹ thuật giao thông nói riêng không là ngoại lệ. Chúng ta đang đối mặt với những thách thức, và chính những thách thức đó đã cho chúng ta cơ hội – cơ hội để vượt qua các giới hạn, cơ hội để phát triển, và phát triển… đến một tầm cao mới.

Bộ môn Qui hoạch Giao thông được hình thành dựa trên những thách thức và cơ hội trên. Từ những ngày đầu thành lập vào năm 2007 dưới sự dẫn dắt của Thầy TS. Trình Văn Chính, Thầy TS. Lê Kinh Vĩnh và Thầy TS. Nguyễn Hữu Huy. Thế hệ tiếp nối dưới sự dẫn dắt và đào tạo các Thầy cũng đã vững bước trưởng thành tiếp tục xây dựng chuyên ngành Qui hoạch và Quản lý Giao thông như Cô Hồ Thị Hoàng Nhi, Thầy Phạm Minh Châu, Thầy Nguyễn Văn Thương, Thầy Hồ Phước Đức và Thầy Đoàn Hồng Đức đang giữ vai trò phụ trách Bộ môn từ năm 2021 đến nay.

Chuyên ngành Qui hoạch và Quản lý giao thông (Transportation planning and Traffic management) trực thuộc Viện Xây Dựng, trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đã và đang đảm đương vai trò đào tạo các bậc học từ đại học đến cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ thuộc phạm trù chuyên môn nhằm góp phần giải quyết căn cơ, bền vững các vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông, phát triển bền vững mạng lưới đường bộ, giao thông công cộng đô thị (Bus, BRT, Metro…) và giao thông tiếp cận đầu/cuối hành trình theo phương thức chia sẻ sử dụng phương tiện như Grab, Be, Gojek… từng bước tiến tới một môi trường giao thông xanh, thông minh, an toàn và bền vững trên cả nước. Chương trình đào tạo chuyên ngành Qui hoạch và Quản lý Giao thông vui lòng xem tại địa chỉ sau: