Bộ môn Kỹ thuật môi trường

(Thời gian cập nhật: 17:55 02/06/2023)

PHẦN I. GIỚI THIỆU VỀ BỘ MÔN KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG

Bộ môn Kỹ thuật Môi trường tiền thân là Viện Nghiên cứu Môi trường và Giao thông được ký quyết định thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2014. Ngày 21/4/2016, Bộ GD&ĐT có quyết định số 1292/QĐ-BGDĐT cho phép Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM đào tạo ngành Kỹ thuật môi trường trình độ đại học hệ chính quy do Viện quản lý.

Từ tháng 3 năm 2022, Viện Nghiên cứu Môi trường và Giao thông cùng Khoa Kỹ thuật Xây dựng và Khoa Công trình Giao thông hợp nhất thành Viện Xây dựng (Institute of Civil Engineering, viết tắt là ICE) theo quyết định số 479/QĐ-ĐHGTVT ngày 14/3/2022.

Bộ môn Kỹ thuật Môi trường – Viện Xây dựng thực hiện chức năng chính là đào tạo trình độ đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đội ngũ giảng viên tham gia hoạt động tại Bộ môn có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo từ môi trường học tập tại các trường Đại học danh tiếng và có chuyên ngành về Môi trường. Các giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường về thiết kế công trình xử lý nước cấp, nước thải và chất thải rắn; lập Hồ sơ/ thủ tục môi trường, thực hiện nhiều báo cáo Đánh giá tác động môi trường cho các dự án trong và ngoài nước; giám sát môi trường định kỳ; thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án cho khu công nghiệp, các thành phố và khu vực; tham gia giảng dạy cho các chương trình đào tạo nâng cao năng lực về môi trường trong các dự án và tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng dân cư trong các dự án truyền thông môi trường cấp Thành phố.

Các giảng viên Bộ môn trong buổi lễ bảo vệ Luận văn tốt nghiệp khoá 2018.

Giảng viên tham gia báo cáo tại các Hội thảo chuyên ngành.

  1. Cơ sở và năng lực đào tạo

Đặc trưng của khối ngành kỹ thuật – công nghệ nói chung, ngành Kỹ thuật Môi trường nói riêng là học phải đi đôi với hành. Thế mạnh của Bộ môn Kỹ thuật Môi trường:

  • Về công nghệ: Bộ môn trang bị đầy đủ các mô hình, phòng thí nghiệm đủ điều kiện để sinh viên vừa học vừa hành, nhờ đó nắm vững hơn những lý thuyết được học.
  • Về thực tiễn:Tùy vào từng vấn đề liên quan đến ngành học, Bộ môn chủ động tổ chức các buổi tham quan thực tế tại nhà máy/ cơ sở sản xuất hay khuyến khích sinh viên lập các mô hình pilot chạy thử.
  • Đội ngũ giảng viênlà những Giảng viên theo các chương trình quốc tế, những chuyên gia môi trường có kinh nghiệm thực tế. Giảng viên của Bộ môn thường xuyên triển khai những đề tài nghiên cứu và chuyển giao công nghệ có tính ứng dụng cao và có những đóng góp thiết thực, nổi bật cho ngành môi trường nói chung và ngành giao thông nói riêng  tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, nên trong giảng dạy kết hợp cả lý thuyết và thực hành thực tiễn cho sinh viên.
  1. Quan hệ hợp tác của Bộ môn với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức

Hợp tác quốc tế là nhân tố quan trọng để phát triển năng lực. Bộ môn Kỹ thuật Môi trường đã tạo lập được các liên kết với nhiều trường Đại học, các Viện và các Trung tâm nghiên cứu ở các nước trên thế giới nhằm tạo cơ hội hợp tác trong đào tạo cán bộ, trao đổi kinh nghiệm nhằm phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

  • Đại học Wageningen – Hà Lan
  • Đại Học Bauhaus – Đức
  • Đại học Kyushu – Nhật Bản
  • Đại học SUTD – Singapore
  • Viện Công nghệ Châu Á (AIT) – Thái Lan
  • Đại học Chulalongkorn – Thái Lan

Dự án ENHANCE tại Trường Đại học Udayana, Indonesia.

Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ giảng viên của Bộ môn Kỹ thuật Môi trường cũng có nhiều hợp tác, liên kết với các công ty, Viện Nghiên cứu, các Trung tâm Công nghệ, các Sở Ban Ngành, … trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực góp phần bảo vệ môi trường:

  • Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM
  • Sở Khoa học Công nghệ
  • Ban QLDA ĐTXD Các Công Trình Giao Thông TP.HCM
  • Trung tâm Điều Hành Chương Trình Chống Ngập Nước Thành Phố
  • Ban Quản Lý Dự Án Đầu Tư Xây Dựng Hạ Tầng Đô Thị
  • Ban Quản lý các Khu công nghiệp
  • Trung tâm Công nghệ và Quản lý Môi trường (Trung tâm ETM)
  • Trung tâm Nghiên cứu Nhiệt đới Việt – Nga
  • Viện Tài nguyên Môi trường
  • Trường Đại học Bách khoa TP.HCM
  • Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM
  • Trường Đại học Văn Lang, TP.HCM
  • Công ty TNHH Tư vấn Giáo dục và Môi trường Lựa Chọn Thông Minh
  • Công ty Môi trường Tầm Nhìn Xanh
  • Công Ty TNHH Đào Tạo và Chuyển Giao Công Nghệ Môi Trường Vintech

Công ty TNHH xử lý Chất thải công nghiệp và Tư Vấn môi trường Văn Lang

Ký Thoả thuận hợp tác giữa Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và Công ty TNHH xử lý Chất thải công nghiệp và Tư Vấn môi trường Văn Lang.

3. Thông tin liên hệ:

  • Địa chỉ Văn phòng Viện Xây dựng: Phòng 010 số 70 Tô Ký, Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12;
  • Email: info@ut.edu.vn;
  • website: ice.ut.edu.vn.

PHẦN II. GIỚI THIỆU NGÀNH KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG

Tên chương trình đào tạo: Kỹ thuật môi trường (Environmental engineering)

– Trình độ: Đại học

– Bậc trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam: 6

– Tổng số tín chỉ: 120 tín chỉ.

– Thời gian đào tạo: 04 năm (01 năm học gồm 2 học kỳ chính và 1 học kỳ phụ)

– Ngành đào tạo: Tên ngành – KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG, mã ngành: 7520320

– Hình thức đào tạo: Chính quy

– Địa điểm đào tạo: Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cơ sở 3, Hẻm 70 đường Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP. Hồ Chí Minh.

  1. Giới thiệu chung

Chương trình đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật môi trường được xây dựng và triển khai nhằm mục tiêu đào tạo cử nhân ngành Kỹ thuật môi trường có phẩm chất chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỹ luật, đạo đức nghề nghiệp; nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên sâu về chuyên ngành Kỹ thuật môi trường, đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu phát triển và ứng dụng đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Sinh viên được cung cấp kiến thức cơ bản về lĩnh vực môi trường, kiến thức chuyên sâu ngành kỹ thuật môi trường và áp dụng vào thực tiễn. Có khả năng tham mưu tư vấn và có khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi quyền hạn của một kỹ sư/cử nhân trong lĩnh vực môi trường.

  1. Hoạt động sinh viên

Chương trình Kỹ thuật Môi trường được thiết kế có tính mới: Sinh viên năm thứ nhất đã được làm quen với môn môi trường và phát triển bền vững, cơ sở khoa học môi trường, được tham gia các hoạt động nghiên cứu và tư vấn môi trường, sinh viên được thực hành ngay từ năm đầu và xuyên suốt 4 năm học; hoạt động thực hành bao gồm: thực hành trong phòng thí nghiệm, tham quan học tập theo chủ đề mỗi môn học: sinh thái môi trường, xử lý nước thải/khí thải, tái chế, năng lượng,…tham gia các sinh hoạt học thuật với các chuyên gia nước ngoài (Hà Lan, Thụy Điển, Singapore, Canada 1-2 lần/năm).

Sinh viên được thực hành Phòng thí nghiệm và đo đạc, quan trắc chất lượng môi trường ngoài thực địa.

Tham gia các buổi sinh hoạt học thuật/ toạ đàm/ hội thảo với các chuyên gia nước ngoài

Sinh viên thực hiện đề tài NCKH “Nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất vật liệu xây dựng từ nguồn chất thải nhựa và chất thải bao bì Tetrapak”

Sinh viên thực hiện đề tài NCKH “Nghiên cứu điều chế bentonite biến tính bằng chất hữu cơ, ứng dụng để hấp phụ và xử lý một số chất ô nhiễm trong nước”

Sinh viên thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa như tham quan, thực tập ở các doanh nghiệp có liên quan đến nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Nhiều sinh viên được doanh nghiệp đánh giá tốt về kiến thức và kỹ năng, được nhận chi phí hỗ trợ trong thời gian thực tập và nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp.

Lễ bảo vệ Luận văn tốt nghiệp và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên Khoá đầu tiên (Khoá 2016)

  1. Cơ hội việc làm

Việt Nam đang tiến hành hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nhằm tận dụng cơ hội để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phấn đấu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Sự phát triển nhanh và mạnh của các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, qui hoạch và phát triển đô thị,… luôn diễn ra xung quanh và hỗ trợ cho cuộc sống của chúng ta, nhưng mặt trái của các hoạt động này là tạo ra các vấn đề về ô nhiễm và chất thải, sử dụng tài nguyên và năng lượng chưa hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, dân số gia tăng, nguồn tài nguyên hạn chế, các kiến thức về môi trường, xã hội đặc biệt cần thiết.

Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2012 – 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định rõ tầm quan trọng của việc phát triển nhân lực ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường (CNKTMT). Theo đó, giai đoạn 2012 – 2015, các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp cần 45.000 công chức, viên chức được đào tạo về CNKTMT. Trong cùng giai đoạn, môi trường doanh nghiệp yêu cầu 30.000 chuyên viên về CNKTMT. Giai đoạn 2016 – 2020, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhu cầu nhân lực ngành CNKTMT vẫn duy trì ở mức cao với 33.000 – 36.000 người, trong cả lĩnh vực nhà nước lẫn tư nhân. Và trong giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035, chỉ tính riêng các thành phố lớn, đã cần đến 10.800 nhân lực/năm. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực ngành môi trường ở nước ta vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ngành Kỹ thuật Môi trường không chỉ là ngành học về vấn đề ô nhiễm và xử lý ô nhiễm, mà còn về các vấn đề sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, sản xuất và tiêu dùng bền vững; kinh tế và phát triển bền vững, quy hoạch và phát triển đô thị bền vững,…đây cũng là hướng đi của toàn cầu, nên cơ hội về học bổng đối với các khóa học ngắn hạn, hoặc các chương trình cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ rất lớn; các cơ hội giao lưu, nghiên cứu khoa học và dự án với các tổ chức là rất nhiều. Do đó chương trình cũng được xây dựng theo hướng chuẩn bị cho sinh viên sẵn sàng tiếp cận với các cơ hội này.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo gắn kết chặt chẽ với các dự án ở TP.HCM và các tỉnh, nên sinh viên có nhiều cơ hội để tham gia cùng các thầy cô trong quá trình học cũng như làm đề tài tốt nghiệp. Sinh viên ra trường được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết nên tính cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm rất cao.

Với việc ứng dụng rộng rãi, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật môi trường có thể đảm nhiệm tốt các công việc như: chuyên viên môi trường ở các cơ sở sản xuất, nhà máy xử lý chất thải, công ty cấp nước, nhà máy xử lý nước, khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, công ty, tổ chức về môi trường hoặc giữ các vị trí quản lý tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, các Viện và Trung tâm Nghiên cứu, Phòng Tài nguyên và Môi trường của các thành phố, quận, huyện. Cụ thể:

  • Làm các công việc kỹ thuật, quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị sản xuất và kinh doanh như: Chi cục quản lý môi trường, các Trung tâm kỹ thuật, công nghệ môi trường, Công ty Môi trường đô thị, Các Ban Quản Lý các khu công nghiệp, Ban Quản Lý các dự án về giao thông (tàu điện ngầm, xe buýt nhanh, hầm, cầu, các dự án về đường thủy …), Công ty tư vấn thiết kế, Các nhà máy xí nghiệp…và các dự án xây dựng cơ bản…;
  • Quản lý, tư vấn, thiết kế cho các dự án, đặc biệt là các dự án về giao thông trong lĩnh vực đánh giá tác động môi trường, giám sát chất lượng môi trường;
  • Làm việc tại các cơ quan quản lý có liên quan đến lĩnh vực môi trường;
  • Tham gia giảng dạy các môn học thuộc chuyên ngành Kỹ thuật Môi trường tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề;
  • Thực hiện các nghiên cứu khoa học, ứng dụng và triển khai các đề tài nghiên cứu vào trong thực tiễn ở lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ sự phát triển bền vững tại các Viện nghiên cứu, các Trung tâm và cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành, các Trường Đại học…

Tỉ lệ sinh viên ra trường hàng năm có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp thường trên 90%. Sinh viên ra trường đang làm việc tại các công ty danh tiếng như:

  • Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
  • Công ty TNHH MTV Dịch Vụ Môi Trường Phú Khánh
  • Công ty TNHH xử lý chất thải công nghiệp và tư vấn môi trường Văn Lang
  • Trung tâm Công nghệ và Quản lý Môi trường ETM
  • Công ty TNHH Môi trường Tầm Nhìn Xanh
  • Công ty Môi trường Ngọc Lân
  • Công ty Cao su Liên Anh
  • Công ty CP Tập Đoàn Đầu Tư Bách Khoa
  • Công ty Newtech
  • Công ty TNHH Kurihara Việt Nam
  • Công ty CP đầu tư xây dựng RICONS
  • Công ty TNHH Tai Loc Producing Comunication Shoes
  • Công ty CP Thương mại – Kỹ thuật Đức Dương
  • Công ty Dong In Entech Viet Nam
  • Công ty Logistic DB Schenker

Tân Kỹ sư môi trường công tác tại các Viện nghiên cứu và Công ty sau khi tốt nghiệp.